Vì sao thí sinh chọn đến 20 nguyện vọng?
Loay hoay đăng ký
Tại TP Hà Nội, nhiều học sinh vẫn chưa định hướng được việc chọn trường, chọn ngành. Tại Trường THPT Nhân Chính (quận Thanh Xuân), một học sinh cho hay trong lớp có nhiều bạn đăng ký từ 15-20 NV. "Trung bình 1 bạn chọn khoảng 6-7 NV, nhưng nhiều bạn trong lớp em lo lắng nên muốn tìm thêm cơ hội ở những trường kém hơn, đăng ký tới 20 NV" - Phan Lê Hà, học sinh lớp 12 Trường THPT Nhân Chính, cho biết. Tại Trường THPT Yên Hòa (quận Cầu Giấy), có học sinh đăng ký tới 25 NV. Trường THPT Phan Huy Chú (quận Đống Đa) cũng có học sinh đăng ký 17 NV vào nhiều ngành của nhiều trường…
Thí sinh đăng ký nguyện vọng tại Trường THPT Bùi Thị Xuân (quận 1, TP HCM) Ảnh: TẤN THẠNH |
Tại TP HCM, nhiều trường đã hoàn tất việc thu nhận hồ sơ đăng ký dự thi của học sinh. Thầy Nguyễn Hùng Khương, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Bùi Thị Xuân (quận 1), cho biết ngày 18-4, trường sẽ in danh sách để học sinh ký xác nhận. Trong quá trình thu nhận, theo thầy Khương, học sinh vẫn sai nhiều ở mã trường và mã tổ hợp. "Trường có 97/601 học sinh chọn bài thi khoa học xã hội" - thầy Khương nói.
Trong khi đó, Trường THPT Lê Quý Đôn (quận 3) lại có thay đổi lớn khi 50% học sinh khối 12 của trường điều chỉnh lại đăng ký khi thông tin Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch được quyền tuyển sinh cả nước và bổ sung mã phụ cho thí sinh có hộ khẩu tại TP HCM muốn đăng ký xét tuyển trong nhóm chỉ tiêu 50% dành riêng cho TP HCM.
Thầy Hà Hữu Thạch, Hiệu trưởng Trường THPT Lê Quý Đôn, cho biết trường có 400 học sinh khối 12 thì có khoảng 1/3, tương đương 110 học sinh, chọn bài thi khoa học xã hội. Con số này khá lớn so với các trường THPT tốp đầu ở TP HCM vốn chỉ chọn bài thi khoa học tự nhiên là chủ yếu.
Ông Phan Hồ Hải, Hiệu trưởng Trường THPT Gò Vấp (quận Gò Vấp), cho hay nhà trường thực hiện theo đúng quy định thời gian thu nhận hồ sơ, mục đích là để học sinh và phụ huynh cân nhắc thật kỹ. Do đầu vào của các em không được cao nên cần suy xét kỹ lưỡng, phù hợp với năng lực của mỗi em. Trường có 662 em khối 12 thì có khoảng 230 em chọn bài thi khoa học xã hội.
Đăng ký nhiều là dễ trúng tuyển?
Một số chuyên gia về tuyển sinh nhận định sở dĩ năm nay học sinh chọn nhiều NV là do có sự nhầm lẫn rằng chọn nhiều NV càng nhiều cơ hội trúng tuyển. Ông Trần Anh Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH - Bộ Giáo dục và Đào tạo, cho rằng học sinh chỉ nên đăng ký khoảng 6 NV là đủ. Theo ông Tuấn, số lượng NV tùy thuộc vào sở thích, học lực, năng lực của các em.
Ông Tuấn tư vấn học sinh nên chia NV thành 3 nhóm. Nhóm 1 là các ngành, các trường có điểm chuẩn năm 2017 và những năm trước đó cao hơn năng lực hiện tại của bản thân một chút. Nhóm 2 là những ngành, trường ngang với năng lực hiện tại của bản thân và nhóm 3 là các ngành, các trường có điểm chuẩn thấp hơn năng lực bản thân một chút.
Ở mỗi nhóm này, học sinh nên lựa chọn khoảng 2-3 NV là vừa. Để tạo điều kiện cho thí sinh có nhiều cơ hội trúng tuyển hơn, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đưa ra quy định thí sinh có quyền thay đổi NV ngay sau khi biết kết quả kỳ thi THPT quốc gia 2018. Đây là cơ hội để thí sinh thay đổi NV phù hợp với điểm thi thực tế của mình.
Bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, cũng khuyên phụ huynh nên tư vấn cho con em mình chọn 5-6 NV là đủ bởi với số lượng này, cơ hội đậu ĐH của thí sinh đã ở mức cao. Năm 2017, tỉ lệ thí sinh trúng tuyển khi đăng ký từ 3-5 NV khoảng gần 70%.
Theo lãnh đạo Vụ Giáo dục ĐH, đăng ký nhiều NV không đồng nghĩa với việc tăng khả năng trúng tuyển. Kinh nghiệm cho thấy đăng ký quá nhiều, theo phong trào, trong khi chưa tìm hiểu các thông tin về trường, điểm chuẩn các năm, cơ hội việc làm… sẽ dễ lựa chọn sai lầm hoặc gây lãng phí. Học sinh phải biết lựa chọn đâu là ngành mong muốn nhất để đặt NV1, vì nếu đã trúng tuyển một NV trong danh sách đã đăng ký, thí sinh sẽ không được phép xét tuyển ở các NV khác.
Đăng nhận xét